In ấn là quá trình tạo ra chữ và tranh ảnh trên các chất liệu nền như giấy, bìa các tông, ni lông bằng một chất liệu khác gọi là mực in. In ấn thường được thực hiện với số lượng lớn ở quy mô công nghiệp và là một phần quan trọng trong xuất bản. Trong bài viết này Hóa Chất SAPA sẽ giới thiệu đến quý độc giả một số khái niệm cơ bản về kỹ thuật in.
1. In typo:
Đây là phương pháp in.. đầu tiên và cổ xưa nhất, được phát minh bởi người Trung Quốc nhưng người Đức (Johan Gutenberg) mới là người được công nhận là ông tổ ngành in. Và nước ứng dụng đại trà thành công in typo nhất cho đến ngày hôm nay là Việt Nam với công nghệ in trên ... tường hay còn gọi là công nghệ in "KHOAN CẮT BÊ TÔNG" nổi tiếng.Về nguyên lý, in typo là phương pháp in cao, tức là trên khuôn in typo, các phần tử in (hình ảnh, chữ viết) nằm cao hơn các phần không in. Khi in, chúng ta chà mực qua bề mặt khuôn in, các phần tử in nằm cao hơn nên sẽ nhận mực và sau đó khi ép in, mực sẽ truyền qua bề mặt giấy in tạo thành hình ảnh, chữ cần in. Một ví dụ gần gũi đó là con dấu (mộc), trên con dấu hình ảnh được khắc nổi cao hơn phần xung quanh, khi đóng dấu ta sẽ ấn nó vào tămbông để lấy mực, sau đó đóng "kịch" một phát thế là xong. Khuôn in typo cũng được khắc nổi lên như con dấu, tuy nhiên nó được chế tạo từ kim lọai (hợp kim chì) bằng quá trình ăn mòn axít, các chữ viết thì được đúc thành các con chữ riêng lẻ, sau đó sẽ được sắp lại bằng tay thành từng bộ khuôn của từng trang sách (cho nên mới gọi là công đọan sắp chữ).Phương pháp in typo sắp chữ hiện nay không còn được sử dụng do sản lượng thấp, lạc hậu và độc hại (chữ in được đúc từ hợp kim chì là một kim lọai độc hại). Một số ứng dụng khác của in typo như in số nhảy, ép chìm nổi, ép nhũ bạc, vàng... vẫn còn được sử dụng. Máy in typo ở Việt Nam được cải tiến thành máy bế đặt tay ứng dụng rất hiệu quả.
2. In flexo:
In flexo bắt nguồn từ chữ flexible, nghĩa là mềm dẻo. Khuôn in flexo cũng thuộc dạng khuôn in cao như in typo, tuy nhiên nó được chế tạo từ chất dẻo (cao su hoặc nhự phoyopolymer) bằng quá trình phơi quang hóa. Phương pháp in này được sử dụng rộng rãi để in các lọai nhãn decal, bao bì hoặc thùng carton.
3. In ống đồng:
In ống đồng về nguyên lý nó là phương pháp in lõm, tức là trên khuôn in, hình ảnh hay chữ viết (gọi là phần tử in) được khắc lõm vào bề mặt kim lọai.
Khi in sẽ có 2 quá trình:
Mực (dạng lỏng) được cấp lên bề mặt khuôn in, dĩ nhiên mực cũng sẽ tràn vào các chỗ lõm của phần tử in, sau đó một thiết bị gọi là dao gạt sẽ gạt mực thừa ra khỏi bề mặt khuôn in, và khi ép in mực trong các chỗ lõm dưới áp lực in sẽ truyền sang bề mặt vật liệu.Khuôn in ống đồng có dạng trục kim lọai, làm bằng thép, bề mặt được mạ một lớp đồng mỏng, phần tử in sẽ được khắc lên bề mặt lớp đồng này nhờ axít hoặc hiện đại hơn là dùng máy khắc trục. Sau đó bề mặt lớp đồng lại được mạ một lớp crôm mỏng để bảo vệ nên có người lại nói đây là phương pháp in...ống crôm chứ không phải in ống đồng.
Trục in bằng đồng
Máy khắc trục đang hoạt động
In ống đồng được ứng dụng trong ngành in bao bì màng nhựa, đơn cử như bao đựng OMO, Viso, bánh kẹo Bibica, hay cà phê Trung Nguyên…
4. In lụa:
In lụa là phương pháp in xuyên, khuôn in có cấu tạo là một tấm lưới (polyester hoặc kim loại) căng trên một khung chữ nhật làm bằng gỗ hoặc hợp kim nhôm. Khi in, người ta cho mực vào lòng khung, gạt qua bằng một lưỡi dao cao su. Dưới áp lực của dao gạt, mực sẽ xuyên qua các ô lưới và truyền (dính lên) bề mặt vật liệu bên dưới, tạo nên hình ảnh in.
5. In offset:
Đây là phương pháp in phổ biến nhất và cũng phương pháp in được nhắc đến nhiều nhất đối với những người làm design thiết kế. Nguyên lý của phương pháp in này đơn giản nhưng khó hình dung nếu chưa được tay sờ mắt thấy "hiện vật".In offset là phương pháp in theo nguyên lý in phẳng, tức là trên khuôn in hình ảnh, chữ viết và những vùng không in đều có độ cao bằng nhau. Khuôn in làm từ một tấm nhôm mỏng (khỏang 0.25mm), trên khuôn in, phần trắng (không in) có bề mặt là nhôm, còn phần tử in (hình ản, chữ viết) được cấu tạo từ một lọai nhựa đặc biệt gọi là nhựa diazô. Lớp nhựa này có tính chất hút dầu, đẩy nước, và mực in offset là lọai mực (có gốc) dầu. Trong quá trình in, trước tiên bề mặt khuôn in đuợc chà một lớp nước mỏng, lớp nước này sẽ dính ướt vào vùng không in (chính là lớp nhôm đó). Sau đó khuôn in mới được chà mực. Vì mực có gốc dầu nên nó không thể dính vào phần trắng trên khuôn in (đang dính nước) được, mà chỉ bắt dính lên phần tử in là nhựa diazo ưa dầu mà thôi. Chính vì vậy dù khuôn in phẳng lì nhưng khi chà mực, mực nó không chà... tùm lum lên bề mặt khuôn mà chỉ truyền đúng vào phần tử in tạo thành hình ảnh, chữ viết trên bề mặt khuôn in mà thôi. Và sau đó, khi ép in lên bề mặt vật liệu in sẽ cho ra hình ảnh cần in.
Hình chụp phóng to bề mặt khuôn in offset. Phần màu sẫm chính là hạt tram trên bản in, phần màu sáng (giống như bị rỗ) là phần bề mặt nhôm.
Hình minh họa một tấm bản in offset sau khi phơi bản, đang chạy ra khỏi máy hiện. Phần hình màu xanh bã đậu trên tấm bản in chính là màu của lớp nhựa diazô
Vì sao gọi là offset (offset = truyền qua): khi in bản in không ép trực tiếp lên giấy hay vật liệu in như những phương pháp in khác mà sẽ được ép lên bề mặt một tấm cao su, sau đó tấm cao su này mới được ép lên bề mặt giấy. Việc này nhằm tạo ra sự truyền mực tối ưu nhất (truyền từ bề mặt cứng --> mềm --> cứng).
Nguồn: Trần Hưng Cường (SAPA)